CHUẨN BỊ CHO TRẺ VÀO LỚP MỘT NHƯ THẾ NÀO?

Thứ tư - 23/03/2016 21:39
Sự lo lắng của phụ huynh khi con trẻ vào lớp 1 là chính đáng vì bé chuyển giao từ trường mẫu giáo- nơi hoạt động chủ đạo là chơi (mà học) sang trường cấp 1- nơi hoạt động chủ đạo là học. Chẳng hạn, chỉ riêng việc phải ngồi trật tự, ngay ngắn mấy tiếng đồng hồ trên ghế trong lớp cũng là một thử thách cho trẻ lớp 1 vì khi ở mẫu giáo, các bé có thể ngồi trên đất, quanh cô, bé nào không thích tham gia các hoạt động chung thì giáo viên mẫu giáo cũng không ép, có thể cho bé lựa chọn hoạt động ở các góc. Hơn thế, Phụ huynh lo lắng con mình sẽ không theo kịp chương trình, theo kịp các bạn trong lớp nên thường cho con học trước chương trình lớp Một khi trẻ 4 - 5 tuổi. Việc ép trẻ học trước chương trình có ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?
I - Tác hại của việc ép trẻ học trước chương trình lớp 1
 
+ TS Nguyễn Thị Hồng Phượng (Khoa GDMN - Trường Đại học Sài Gòn TPHCM): Trẻ 4-5 tuổi thường lơ đãng vì sự chú ý của các em là chú ý không chủ định, các em chỉ có thể chú ý trong thời gian ngắn. Trong khi đó, phụ huynh cho con đi học với thời gian ít nhất 60-90 phút, gò ép các em phải học bằng kỷ luật sẽ khiến các em không những mệt mỏi (ảnh hưởng thể lực) mà còn tạo ra tâm lý phải có sự kiểm soát của người lớn thì mới học chứ không tự giác. HS mới 4-5 tuổi mà bắt học chương trình của HS 6 tuổi tất nhiên sẽ vượt quá xung lượng ấy, nó sẽ làm trẻ sớm cạn kiệt về trí não, vắt kiệt trí tuệ từ khi còn nhỏ vì phải sử dụng nhiều hơn cái mình có. Nhiều HS hay than mệt và sợ học là vì vậy.
+ Bà Lê Thị Liên Hoan (Nguyên Phó Phòng giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM): Nếu ép trẻ học trước làm cho trẻ sẽ mất sự hứng thú học tập khi lên lớp 1. Nhiệm vụ quan trọng nhất của bậc tiểu học là tạo cho trẻ sự hứng thú, nhưng nếu trẻ đã biết trước các điều ấy thì khi lên lớp 1 sẽ không còn hứng thú nữa, trẻ sẽ mang tư tưởng chủ quan, không chăm chỉ học hành. Chương trình mẫu giáo 5 tuổi rất cần thiết đối với trẻ. Từ việc cho các cháu nặn, vẽ, xé dán, dạo chơi trong vườn... đến việc tô chữ, đặt hột theo nét chữ, đọc theo số... Đó chính là sự chuẩn bị một cách toàn diện về năng lực học tập cho trẻ khi bước vào lớp 1. Mặc dù không trực tiếp dạy cho HS biết viết chữ, biết làm toán, nhưng những nội dung ấy được nghiên cứu và giảng dạy theo ba bước phát triển tư duy của trẻ: tư duy trực quan hành động đến tư duy trực quan hình ảnh, sau đó mới đến tư duy logic. Sự phát triển tư duy từng thang bậc cộng với kỹ năng nghe - hiểu, kỹ năng phát triển ngôn ngữ là cơ sở để trẻ học tập tốt trong một quá trình lâu dài sau này.
+ Bà Lê Thị Ánh Tuyết (Nguyên Vụ trưởng Vụ Mầm non, Bộ GD-ĐT): Phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp với lứa tuổi. Đúng là hiện nay ở các thành phố, đô thị nhiều bậc phụ huynh vì quá kỳ vọng ở con mình, quá lo lắng cho con em trước “cửa ải” lớp 1 nên cho con học đọc, học viết theo chương trình lớp 1 khi mới 5 tuổi. Nhưng những phụ huynh này không hiểu nguyên tắc đòi hỏi sự phù hợp giữa nội dung, phương pháp dạy học với đặc điểm, hình thái chức năng tâm lý của lứa tuổi các em. Cùng với sự phát triển của thực tiễn giáo dục mầm non và việc tiếp cận với khoa học giáo dục mầm non của thế giới, nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận: rất cần chuẩn bị cho trẻ đầy đủ các yếu tố thích ứng trước khi vào lớp 1 như trí tuệ, khả năng điều khiển hành vi của mình (ý chí), động cơ kích thích học tập, sự phát triển của hứng thú nhận thức, sự thích ứng xã hội của trẻ. Nếu trẻ không được chuẩn bị những yếu tố trên ở các lớp học mầm non, dĩ nhiên sẽ khó khăn khi học ở bậc phổ thông.
II - Cần chuẩn bị gì khi cho trẻ vào Lớp 1?
1. Chuẩn bị tâm lý vào lớp 1
Bắt đầu gần nghỉ hè ở mẫu giáo, phụ huynh nên trò chuyện cùng con về việc năm sau con sẽ chuyển sang trường mới, đặc điểm trường đó thế nào, thậm chí, nếu có điều kiện, có thể đưa trẻ đến tham quan trường mới ấy, chỉ cho trẻ lớp học, bàn ghế, bảng….giải thích cho trẻ rằng con sẽ được học thế nào ở đó. Phụ huynh có thể mua trước một số sách vở, dụng cụ học tập lớp 1, giới thiệu cho trẻ làm quen với chúng, dạy trẻ cách thức giữ gìn những vật dụng đó. Phụ huynh nên cố gắng giới thiệu những điều tích cực, thú vị ở trường tiểu học, thay vì doạ nạt con là trường học rất khó, không học là cô giáo phạt…
 
2. Làm quen với nề nếp, kỷ luật ở trường tiểu học
Trò chuyện cùng con mỗi ngày bằng các câu chuyện kể có liên quan đến môi trường học đường như: giữ trật tự trong lớp, giơ tay xin phép thầy cô khi phát biểu hoặc ra ngoài, xếp hàng khi vào lớp, đứng lên chào cô khi vào lớp, tan lớp….Có thể rèn luyện cho trẻ bằng cách yêu cầu trẻ làm một số nhiệm vụ nào đó như vẽ tranh, tô màu, đồ chữ cái…bằng cách ngồi trên bàn học ngay ngắn trong khoảng thời gian 30-45 phút. Điều này cũng giúp làm gia tăng sự tập trung chú ý cho trẻ, rất có ích cho trẻ khi vào lớp 1.
3. Hình thành các kỹ năng tự phục vụ cho trẻ
Thực chất, các kỹ năng này đã được hình thành ở trường mẫu giáo. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn cưng chiều con và giáo viên mẫu giáo, bảo mẫu vẫn đôi khi làm thay cho trẻ.
Ở trường tiểu học, các giáo viên không thể hỗ trợ việc này. Do đó, phụ huynh phải dành thời gian để rèn luyện thật thành thạo cho con như: tự thay quần áo (trong trường hợp trẻ học cả ngày với nhiều hoạt động khác nhau cần thay đổi trang phục), sắp xếp sách vở, dụng cụ học tập ngay ngắn vào cặp, tự đi vệ sinh, tự xúc ăn…
4. Phát triển kỹ năng giao tiếp, gia tăng sự tự tin cho trẻ
Chẳng hạn kỹ năng lắng nghe khi người khác nói, trả lời khi được hỏi, đặt câu hỏi cho thầy cô, bạn bè khi thắc mắc, phát âm to rõ. Đương nhiên, những điều này cũng được rèn ở mẫu giáo nhưng nhiều trẻ vẫn rất hạn chế, nhút nhát. Trước khi vào lớp 1, phụ huynh có thể đưa trẻ tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu với nhiều người hơn.
5. Phát triển khả năng tư duy, giải quyết vấn đề cho trẻ
Bằng cách trò chuyện, hỏi đáp với trẻ một số kiến thức phổ thông để kích thích sự tò mò, khám phá, tư duy rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ cho trẻ. Phụ huynh nên kiên nhẫn làm điều này mỗi ngày, từng chút một bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ: coi 1 bộ phim khoa học phổ thông cho trẻ cùng với trẻ, đặt các câu hỏi để trẻ suy nghĩ, giải đáp.
6. Làm quen chữ viết, tính toán, kỹ năng cầm bút, tư thế ngồi
Lưu ý, chỉ dừng ở mức độ làm quen như nhận diện được chữ cái, đồ theo nét có sẵn, đếm số… Có thể dạy trẻ cách cầm bút viết, ngồi đúng tư thế, viết được tên mình dù nguệch ngoạc, mục đích để trẻ tự ghi tên vào đồ dùng, sách vở khi cần thiết.
Dưới đây là hướng dẫn bé cách cầm bút và tư thế ngồi sao cho đúng:
Tư thế ngồi:
-        Tư thế ngồi viết phải thoải mái, không gò bó.
-        Khoảng cách từ mắt đến vở 25 -30 cm.

(Ảnh minh họa, nguồn Internet)
-        Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi.
-        Hai chân thoải mái, không chân co chân duỗi.
-        Hai tay phải đặt đúng điểm tựa quy định. Tay trái để xuôi theo chiều ngồi, giữ lấy mép vở cho khỏi xô lệch, đồng thời làm điểm tựa cho trọng lượng nửa người bên trái.
-        Ánh sáng phải đủ độ và thuận chiều, chiếu từ bên trái sang.
Cách cầm bút đúng cách:
-        Tay phải cầm chắc bút bằng 3 ngón tay (cái, trỏ, giữa). Đầu ngón trỏ cách đầu ngòi bút chừng 2,5cm.
-        Mép bàn tay là điểm tựa của cánh tay phải khi đặt bút xuống bàn viết .
-        Lúc viết, điều khiển cây bút bằng các cơ cổ tay và các ngón tay.
-        Không để ngửa bàn tay quá, tạo nên trọng lượng tì xuống lưng của hai ngón tay út va áp út (ngón deo nhẫn).
-        Ngược lại không úp quá nghiêng bàn tay về bên trái (nhìn từ trên xuống thấy cả 4 ngón tay: trỏ, giữa, áp út và út)
-        Cầm bút xuôi theo chiều ngồi. Góc độ bút đặt so với mặt giấy khoảng 45 độ. Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ.
-        Đưa bút từ trái qua phải từ trên xuống dưới các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải thật nhẹ tay, không ấn mạnh đầu bút vào mặt giấ
-        Ở giai đoạn viết chì, cần chuẩn bị chu đáo cho đầu nét chì hơi nhọn đúng tầm. Nếu quá nhọn dẫn đến nét chữ quá mảnh, đôi khi còn chọc thủng giấy. Ngược lại, đầu nét chì quá “tù”, nét chữ quá to, chữ viết ra rất xấu.
Trẻ vào lớp 1 là bước ngoặt của cả con và cha mẹ. Ngày đầu tiên đi học sẽ là dấu ấn trong tâm thức của trẻ cho đến khi trưởng thành. Vì vậy các bậc Phụ huynh cần chuẩn bị cho trẻ cả một balo hành trang và một tâm thế vững vàng để trẻ mang theo suốt chặng đường học tập.
Chúc Quý Phụ huynh thành công!
Nguyễn Thị Thu Lương
Sưu tầm

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Lương

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần tư vấn?