Cách xử trí hóc dị vật ở trẻ em

Thứ hai - 06/11/2017 20:12
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
       Trẻ đang ăn uống hoặc chơi, đột ngôt ho sặc sụa, khó thở, mặt đỏ, chảy nước mắt.
       Nặng hơn là trẻ khó thở dữ dội, mặt môi tím tái và có thể ngừng thở, bất tỉnh, đái dầm.
       Khi trẻ bị dị vật đường thở cần cấp cứu tại chỗ ngay lập tức nếu không sẽ dễ bị ngưng thở dẫn đến tử vong .
BIỆN PHÁP XỬ LÝ
Với trẻ dưới 2 tuổi dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực.
Bước 1: Vỗ lưng
       Người cấp cứu ngồi trên ghế hoặc đứng, chân đưa ra phía trước, đặt đầu trẻ trên đầu gối dốc xuống, một tay đỡ ngực trẻ, tay kia dùng gót bàn tay để vỗ từ 1 – 5 lần (lực vừa phải) vào lưng giữa hai xương bả vai.
Nếu sơ cứu như trên mà dị vật không bật ra thì lập tức làm bước 2 (ấn ngực).


Bước 2: Ấn ngực.
       Đặt bé nằm trên đùi bạn với đầu thấp hơn thân, đặt 3 ngón tay phải ở giữa ngực bé (xương ức, ngay dưới núm vú). Ngón giữa của bạn nên để ngay giữa ngực.
       Khi đã đặt các ngón tay của bạn đúng chỗ, nâng ngón tay giữa và chỉ sử dụng các ngón tay còn lại để đẩy lên 5 lần, thật chắc.
       Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này và áp miệng mình vào miệng trẻ để thổi nhẹ cho không khí lọt qua chỗ bị tắc cho đến khi xe cấp cứu tới.
Chú ý.
       Không nên can thiệp khi trẻ vẫn còn hồng hào, có thể ho, thở hay khóc được và tuyệt đối không được được cố móc lấy vật lạ ra khi không nhìn thấy vì có nhiều khả năng làm cho dị vật rơi vào đường thở sâu hơn.
Với trẻ trên 2 tuổi, có thể dùng biện pháp ép bụng, còn được gọi là phương pháp Heimlich.
Trường hợp trẻ còn tỉnh
       Để cho trẻ đứng, người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng.
       Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vị trí ở vùng thượng vị , dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp.
       Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.

Trường hợp hôn mê, bất tỉnh
       Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
       Trong tình huống bệnh nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái . Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.
Kỹ thuật hà hơi ngạt ( hô hấp nhân tạo)
       Lấy ngay các vật mắc trong miệng nạn nhản ra. Dùng ngón tay bọc khăn móc lấy hết đờm dãi. Kéo lưỡi ra phía trước.
       Đặt người bị nạn nằm ngửa, lật ngược đầu về phía lưng và kéo hàm ra phía trước
       Lấy ngón tay bóp chặt 2 lỗ mũi và mở rộng miệng người bị nạn
       Người cấp cứu hít một hơi dài, rồi áp sát miệng mình vào miệng nạn nhân và thổi mạnh vào phổi. vừa thổi vừa nhìn lồng ngực nạn nhân thấy nhô phồng lên là đạt yêu cầu.
       Nghỉ để cho không khí dồn trở lại ngực nạn nhân xẹp xuống. Rồi lại thổi tiếp. Mỗi phút làm đi làm lại như vậy khoảng 15 lần
       Kiên trì hà hơi thổi ngạt cho đến khi nạn nhân tự thở được, hoặc chắc chắn là đã chết.
ĐỂ TRẺ KHÔNG BỊ HÓC DỊ VẬT CẦN
       Tránh để những đồ vật có kích thước nhỏ trong tầm với của trẻ
       Không cho trẻ chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ mà trẻ có thể ngậm và nuốt được.
       Không cho trẻ chơi một đồ chơi dành cho lứa tuổi lớn hơn
       Không để đồng xu, các mảnh vụn đồ chơi, vật tròn, nhỏ trong nhà.
       Tháo pin ra khỏi đồ chơi.
       Tách hạt ra khỏi quả khi cho bé ăn…
       Không nên ép bé ăn trong lúc khóc, lúc cười
       Không bóp mũi khi cho trẻ uống thuốc vì đây chính là cách biến thức ăn thành dị vật
       Cắt những thức ăn cứng hoặc thức ăn có dạng tròn thành những miếng mỏng hoặc mẩu nhỏ sao cho chúng không thể kẹt trong khí quản của bé.
       Khi nấu cháo cá, nên chọn loại cá to, ít xương, tốt nhất là chọn phần phi lê.
Gọi điện thoại cấp cứu số 115
                                                                                                                                

Tác giả bài viết: Ban Y tế học đường

Nguồn tin: Trường Mầm Non Thực Hành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần tư vấn?