Dinh dưỡng hợp lý – vai trò quan trọng đối với sức khỏe
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của cơ thể. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp phát triển thể chất, cải thiện sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch…và kéo dài tuổi thọ. Suy dinh dưỡng hay thừa cân béo phì dưới mọi hình thức, đều đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Sự gia tăng tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt ở trẻ em
Ngày nay thế giới phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng bao gồm cả suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì. Trong đó, tỷ lệ béo phì đang gia tăng rất nhanh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính năm 2016 trên thế giới có hơn 1,9 tỉ người từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân (chiếm tỉ lệ 39%) trong đó trên 650 triệu người béo phì (chiếm tỉ lệ 13%). Năm 2019 có 38,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân và béo phì trong đó hơn 50% ở khu vực Châu Á.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu STEPS được thực hiện vào năm 2015 tại 64 tỉnh thành trên toàn quốc cho thấy 15,6% người trưởng thành từ 18 – 69 tuổi bị thừa cân béo phì. Ngoài ra, tỉ lệ thừa cân – béo phì ở học sinh cũng là mối quan tâm của toàn xã hội. Tại TP.HCM, theo kết quả điều tra năm 2014 cho thấy 51,8% học sinh tiểu học, 35,5% học sinh Trung học Cơ sở và 19,5% học sinh Trung học Phổ thông bị thừa cân béo phì. Tỷ lệ này cao nhất nước. Trẻ em bị béo phì nguy cơ trở thành béo phì khi đến tuổi trưởng thành nếu không được can thiệp phòng và điều trị béo phì kịp thời.
Hậu quả của thừa cân béo phì
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy sự gia tăng thừa cân béo phì thường kéo theo sự gia tăng một số bệnh mạn tính không lây. Béo phì là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, đột quị (là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu), đái tháo đường, rối loạn cơ xương (đặc biệt là thoái hóa khớp gây tàn phế rất cao), một số loại ung thư (ung thư nội mạc tử cung, buồng trứng, vú, tuyến tiền liệt, gan, túi mật, thận và đại tràng), tạo tâm lý mặc cảm, dễ bị stress.
Béo phì khiến mỡ đè lên cơ hoành hoặc phế quản và cản trở hoạt động hô hấp của cơ thể, một số trường hợp, bệnh có thể gây rối loạn nhịp thở hoặc ngưng thở khi ngủ. Thế giới trải qua đại dịch COVID-19 với nhiều công trình nghiên cứu cho thấy người bị béo phì khi mắc SARS-CoV-2 làm gia tăng nguy cơ phải nhập viện, chuyển chăm sóc tích cực (ICU), thở máy và tử vong cao hơn so với những người không bị béo phì.
Phòng ngừa thừa cân béo phì
Thừa cân béo phì phần lớn có thể phòng ngừa được qua việc vận động thể lực kết hợp với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý. Khẩu phần ăn hàng ngày nên:
– Đảm bảo đủ số lượng, cân đối, hợp lý từ 3 chất sinh năng lượng là đạm (các loại thịt, cá và thủy sản, đậu, đỗ các loại) từ 13-20%, chất béo (mỡ động vật, bơ, dầu thực vật, các loại hạt nhiều dầu) từ 20-25% và chất bột đường (gạo, ngũ cốc, khoai, củ) từ 55-65%.
– Ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày để cung cấp đủ dưỡng chất giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.
– Không ăn mặn, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn như cá khô, mắm các loại, chả lụa, súc xích, đồ hộp, dưa, cà muối chua.
– Hạn chế sử dụng thực phẩm nhiều chất béo như thịt mỡ, da (heo, gà, vịt); thực phẩm nhiều cholesterol như tim, gan, thận, não;
– Hạn chế thức ăn và thức uống ngọt như bánh, kẹo, nước ngọt, chocolate, thức uống có còn như rượu, bia…
Ngoài chế độ dinh dưỡng, để phòng chống thừa cân béo phì nên duy trì tập luyện các loại hình phù hợp với sức khỏe 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần. Bên cạnh đó, phòng ngừa thừa cân béo phì cần có sự phối hợp của bản thân, gia đình và toàn xã hội để đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận với thực phẩm lành mạnh, hợp lý, tạo cuộc sống năng động và môi trường vận động thích hợp.
Nguồn: BS Phạm Ngọc Oanh – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC