10 biện pháp rèn luyện nề nếp cho trẻ nhỏ

Thứ ba - 18/09/2018 23:56
Để tạo được nề nếp hiệu quả thì đưa ra các quy định cũng quan trọng như củng cố chúng, thậm chí còn quan trọng hơn. Nếu chúng ta yêu cầu hợp lý, thì thường trẻ sẵn lòng tuân theo vì về cơ bản là chúng muốn chúng ta hài lòng. Nhưng cách chúng ta yêu cầu rất nhiều khi không giỏi giang như chúng ta muốn và nghĩ. Chúng ta thường nói quá nhiều (con phải thế này…, nếu không thì…, tại sao các bạn khác….v.v…), chúng ta thường kèm theo quá nhiều cảm xúc ( mẹ rất bực mình, mẹ xấu hổ vì…), hoặc chúng không thể hiện ý mình một cách rành mạch và dứt khoát.

Hãy thử 1 biện pháp sau đây để đạt được sự tuân thủ của trẻ:

1. Cụ thể

Chúng ta thường nghe thấy nhiều người lớn đưa ra những quy định thiếu rõ ràng như “ con phải ngoan ngoãn, nghe lời chứ !”, “ đừng có bầy bừa ra!”. Những đứa trẻ khác nhau có thể hiểu những lời chỉ dẫn chung chung này theo những cách khác nhau. Trẻ của chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nhiều nếu chúng ta nêu thật cụ thể điều chúng ta muốn. Một yêu cầu cụ thể mô tả chính xác việc trẻ cần phải làm: “ nhặt những tờ giấy ở dưới đất lên!”, “ ở góc đọc sách thì phải nói nhỏ thôi!”, “ nắm lấy tay mẹ khi qua đường!”,…. Đây là một cách giúp trẻ dễ dàng tuân thủ theo yêu cầu của người lớn, dần dần việc tuân thủ những quy định này sẽ trở thành thói quen.

2. Cho phép trẻ lựa chọn

Trong rất nhiều trường hợp người lớn chúng ta có thể đưa ra vài lựa chọn cho phép trẻ tự quyết định cách thực hiện yêu cầu của mình. Có quyền tự do lựa chọn làm trẻ cảm thấy độc lập, tự quyết và do đó bớt đi sự phản kháng. Ví dụ như: “ Đi ăn cơm thôi, con muốn ăn bằng tô hay bằng chén?”, “ mẹ lấy hộ con quần áo nhé hay con tự lấy lấy?”,… “ Ra lệnh” cho trẻ thì phải là thế này hay thế khác, thường nhanh và dễ hơn nên chúng ta hay quên quyền lựa chọn của trẻ. Nhưng để đạt được mục đích, chúng ta cần phải thay đổi.

3. Nghiêm khắc

Đối với một số vấn đề quan trọng mà nếu không nghe lời sẽ làm nảy sinh hậu quả xấuthì chúng ta cần phải nghiêm khắc. Một yêu cầu nghiêm khắc buộc trẻ phải ngừng hành vi thiếu suy nghĩ của mình và tuân theo lời người lớn ngay lập tức, ví dụ: “ Không được ném đồ chơi!”, “ buông bạn ra ngay!”. Những yêu cầu này nên đưa ra với giọng nói đủ cứng rắn và vẻ mặt nghiêm khắc.

4. Dùng cách nói khẳng định

Trẻ dễ tiếp thu cách nói “Làm…” ( tức là chỉ dẫn ) hơn là “ Đừng” hay “ không được…” ( tức là ngăn cấm ). Những yêu cầu “ đừng…” hay “ không được…” tuy là cho trẻ biết điều không được làm nhưng lại không giải thích cho trẻ biết nên làm thế nào thay cho hành vi không được chấp nhận đó. Do đó, nói chung nên bảo trẻ nên làm thế nào (“nói nhỏ thôi” ) hơn là bảo chúng đừng làm gì (“đừng hét lên” ). Thường thì những vị phụ huynh độc đoán hay dùng yêu cầu “ không được …”, trong khi những phụ huynh coi trọng uy tín có khuynh hướng nói cách thứ hai “Hãy làm…”.

5. Khách quan

Khi chúng ta bảo “ mẹ bảo con đi ngủ” hay “ mẹ muốn con ăn hết bát cơm này”,… thì chúng ta đã vô tình tạo ra một sự đối nghịch giữa ta và trẻ. Tốt nhất là nên đặt ra một quy định chung, không mang tính chủ quan, ví dụ: “ 9 giờ rồi, đến giờ ngủ của con rồi” hay là “ đây là phần cơm của con, ai cũng cần ăn hết phần cảu mình”. Như vậy, nếu có một xung đột nào hay một chút cảm xúc khó chịu nào nảy sinh thì đó là giữa trẻ và… cái đồng hồ, hay cái quy định về khẩu phần. Và như thế nếu chúng ta nói “ Quy định  là không được ném bóng trong nhà” thì trẻ không thích cái “ quy định”, còn khi chúng ta bảo “ mẹ cấm ném bóng trong nhà” thì trẻ sẽ không thích …mẹ.

6. Giải thích tận tường

Khi hiểu rõ nguyên nhân, ý nghĩa của các quy định ( như để tránh nguy hiểm cho bản thân trẻ hay cho người khác ) thì trẻ dễ nghe lời hơn là khi chúng nghĩ rằng những quy định đó chẳng qua là ý thích của người lớn. Cho nên khi đưa ra những quy định, cần giải thích rõ cho trẻ biết tại sao chúng cần phải tuân theo những quy định này. Hiểu rõ nguyên nhân và ý nghĩa của các quy định còn giúp trẻ hình thành những tiêu chuẩn hành vi và đó chính là nền tảng của ý thức. Không cần giải thích dài dòng, phức tạp, mà cần ngắn gọn và thực tế, ví dụ: “ đánh bạn làm bạn đau nên không được chơi thế” hay “ nếu con lấy hết đồ chơi đi thì bạn sẽ buồn vì bạn vẫn còn muốn chơi những thứ đó”.

7. Gợi ý hoạt động khác

Bất cứ khi nào chúng ta muốn ngăn cấm hay giới hạn một hành vi nào đó thì ngay lập tức nên gợi ý một hoạt động thay thế. Như vậy, lời nói của chúng ta bớt phần khó chịu, và trẻ không cảm thấy bị từ chối. Khi đưa ra những gợi ý thay thế chúng ta dạy cho trẻ biết rằng, cảm xúc và mong muốn của chúng có thể chấp nhận được, nhưng vào lúc khác và ở chỗ khác. Trẻ sẽ học được cách liề chế và thể hiện đúng lúc, đúng chỗ. Ví dụ: “ mẹ biết con rất thích những cây bút dạ quang của mẹ, nhưng đây là những thứ để mẹ làm việc, chứ không phải để nghịch. Đây mẹ cho con bút sáp để con vẽ”.

8. Kiên định

Một thời gian biểu linh động ( nay ngủ 8h 30, mai ngủ 9h ), sẽ cho trẻ cái cớ để chống đối và khó lòng trở thành nế nếp bền vững. Những quy định quan trọng cũng như thời gian biểu hàng ngày phải đuợc thực hiện nghiêm túc ngay cả khi chúng ta mệt nỏi hay gặp chuyện khó khăn. Nếu chúng ta cho phép trẻ “ du di” một chút thì rồi chúng nhất định sẽ tìm cách chuồn ra khỏi giới hạn chúng ta đặt ra.

9. Đánh giá hành vi, không đánh giá trẻ

Dù trẻ vi phạm nghiêm trọng đến đâu chăng nữa thì chúng ta vẫn cần nói rõ để trẻ hiểu rằng chúng ta không đồng ý với hành vi của chúng chứ không phải chúng ta ghét bỏ chúng. Điều này có vẻ như ai cũng biết nhưng khi bực mình, khi mất bình tĩnh, chúng ta lại không nhớ đến nguyên tắc quan trọng này. Và đáng nhẽ phải bảo “Đừng đánh bạn!” ( thể hiện sự không bằng lòng với hành vi của trẻ ) thì chúng ta lại bảo “hư quá, tại sao lại đánh bạn” ( thể hiện sự không bằng lòng về trẻ ). Thay vì bảo “ thật không thể chịu được thằng bé này”, thì chúng ta cần phải nói rằng “ những thứ này không phải để chơi hãy cất nó lên kệ”.

10. Kiểm soát cảm xúc của chính mình

Những nghiên cứu cho thấy rằng khi cha mẹ giận thì họ phạt con mình nặng nề hơn và làm cho trẻ bị tổn thương tinh thần và có khi cả thể chtấ đau đớn hơn. Những lúc như vậy nên cố gắng thở dài, sâu, và đếm đến mười để không mất bình tĩnh. Rèn nề nếp, kỷ luật cho trẻ tức là dạy trẻ thể hiện hành vi, dạy cách cư xử, và chúng ta không thể dạy được điều đó nếu chúng ta để xúc cảm chi phối. Cho nên thay vì giận dữ hỏi “ con làm sao đấy? Lại gây chuyện gì nữa đây?” thì hãy dành một phút bình tĩnh lại và hỏi “ có chuyện gì vậy?”.

Tất cả trẻ em đều cần được cha mẹ chỉ dẫn để có được những hành vi đúng. Chúng ta càng hợp lý và khéo léo bao nhiêu khi đưa ra quy định cho trẻ thì chúng ta càng dễ dàng đạt được sự cộng tác của trẻ bấy nhiêu. Kết quả của sự nổ lực đó là một bầu không khí dễ chịu hơn cho cả cha mẹ lẫn con trẻ.
Theo Yêu Trẻ

Tác giả bài viết: Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần tư vấn?